Showing posts with label tâm sự. Show all posts
Showing posts with label tâm sự. Show all posts

Wednesday 16 September 2015

"Sáng đưa cơm đi ăn phở, trưa về với phở ăn cơm"

Lấy chồng là giảng viên một trường ĐH nổi tiếng, Huệ quyết định từ bỏ sự nghiệp ca hát đang lên, về lo cho chồng. Chẳng ngờ chỉ 2 năm sau, anh chồng đã ngoại tình
Vai diễn "ông chồng kiểu mẫu"
Trong một lần tình cờ, Huệ nhìn thấy chồng đi cùng một cô gái trẻ đẹp vào siêu thị, trông họ không khác gì vợ chồng son. Chị ngay lập tức xâu chuỗi những biểu hiện bất thường của chồng mà bấy lâu nay mình không quan tâm vì quá yêu chồng. Đến khi câu hỏi về mối quan hệ của chồng với cô gái lạ ngày càng day dứt, chị quyết định nhờ công ty thám tử điều tra danh tính cô gái này. Đến giờ, Huệ vẫn không thể tin được chuyện chồng ngoại tình là sự thật. Anh đã từng theo đuổi chị đến 8 năm trời mới nhận được cái gật đầu từ chị, sau đó khi lấy nhau, chị nói gì anh cũng nghe. Thậm chí, trước đây khi chị vẫn còn vương vấn với người yêu cũ, định đi đến hôn nhân, anh ta đau khổ đến mức từng tự tử hụt vì chị.
Vậy mà chỉ sau 6 năm chung sống, người chồng từng thề sống thề chết chung thủy với chị lại có tình nhân. Chị đã cố gắng không tin, nhưng mỗi lần nhớ đến cảnh chồng và cô gái trẻ kia dắt tay nhau vào siêu thị mua sắm là lại đau thắt lòng. Chồng chị Huệ tên Phong, hiện là giảng viên trường ĐH. Anh có sự nghiệp vô cùng rạng rỡ khi vừa dạy tại trường, vừa cộng tác tại một công ty dầu khí lớn nhất nhì nước. Khi nhận lời lấy Phong, Huệ đang là một ca sĩ nhiều triển vọng. Nhưng cuộc hôn nhân với người chồng đang phát triển nhanh chóng về sự nghiệp khiến cô quyết định lui về hậu trường, không đi hát nữa để làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Sau này, khi con đã cứng cáp, Huệ có mở một shop thời trang để kinh doanh thêm. Cuộc sống êm đềm trôi đi, người ta tưởng rằng không gì có thể chia cắt cặp vợ chồng quá đẹp đôi như Phong và Huệ.
Suốt 6 năm chung sống, Phong thường xuyên ca ngợi vợ mình với bạn bè, đồng nghiệp. Anh đối xử với Huệ tốt đến mức cả khoa Dầu khí nơi anh công tác đều nói: "Trên Trái Đất này chẳng còn ai yêu vợ bằng anh". Thậm chí các bà vợ của đồng nghiệp trong khoa luôn đem anh ra so sánh "làm gương" cho mấy ông chồng.
Theo yêu cầu của chị Huệ, việc theo dõi chồng chị phải được các thám tử tiến hành tuyệt đối bí mật. Chị không muốn mọi chuyện rùm beng lên, báo chí bấy lâu vẫn tò mò về cuộc sống của chị sẽ được dịp khơi ra và lúc ấy người xấu hổ sẽ là chị. Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, các thám tử theo sát Phong ngay từ lúc anh bước ra khỏi nhà. Lịch trình của anh này giống như một nhân viên Nhà nước bình thường, sáng 6h30 anh lên trường, chiều 5h30 tan sở. Sau giờ làm, Phong thường đến shop phụ giúp vợ một chút rồi về nhà. Lịch trình của Phong ngày nào cũng đều đặn như vậy. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong 5 ngày theo dõi Phong đó là trưa nào cũng tầm 11h hơn anh ta đều chạy xe đến nhà một ai đó ăn cơm, ngủ nghỉ sau đó mới trở lại trường đi dạy. Căn nhà nơi Phong thường ghé ăn trưa nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Cách mạng Tháng 8. Tuy đó chỉ là căn nhà hai tầng nhỏ gọn nhưng bên trong khá đầy đủ tiện nghi. Ngoài buổi trưa xen giữa hai buổi lên lớp, có buổi chiều Phong không về nhà mà đến đón cô gái trẻ ở căn nhà hai tầng rồi cả hai đến một nhà hàng cách xa trung tâm thành phố để ăn tối. Ngày nghỉ, Phong ra khỏi nhà lúc 5h sáng. Giám đốc Duy đã giao cho các thám tử, nhận được thông tin từ chị Huệ, đã túc trực trước cổng nhà chị Huệ để theo bước Phong vào lúc sáng sớm.
Hóa ra "anh chồng mẫu mực" này chạy xe tới căn nhà hai tầng kia để đón tình nhân đi chơi. Các thám tử phải rất vất vả mới theo sát được Phong, bởi đường dài và thậm chí có lúc mất dấu. Phong đưa người phụ nữ trẻ tới bến xe, cả hai cùng bắt xe đi Vũng Tàu, các thám tử cũng mua vé đi theo hai người. Tới Vũng Tàu, họ cùng nhau ăn uống nghỉ ngơi và tắm biển. Đến 5h chiều, họ bắt xe về thành phố và đi ăn xong mới ai về nhà nấy. Thời hiện đại, dân gian thường ví vợ là "cơm", còn bồ là "phở". Hoạt động của anh chồng Huệ đúng với câu nói hài hước: "Sáng đưa cơm đi ăn phở, trưa đón phở đi ăn cơm". Vì lịch trình "tuyệt mật" đó mà cuộc tình vụng trộm của Phong đã diễn ra khá lâu mà tất cả bạn bè, người thân không ai hay biết.
Qua tìm hiểu của các thám tử được biết, cô gái trẻ kia tên là Vân, người Tiền Giang, hiện đang học Thạc sĩ năm cuối tại trường ĐH Bách khoa. Cô này nổi tiếng là hoa khôi Bách khoa và được khá nhiều anh chàng theo đuổi. Phong trước đây từng dạy Vân vài môn cơ sở, họ quen và yêu nhau từ hồi Vân mới học năm nhất, tức là sau 2 năm lấy Huệ làm vợ. Dù biết Phong đã có vợ nhưng Vân vẫn bỏ qua và lén lút qua lại với thầy giáo.
Họ sống cùng nhau như vậy gần 4 năm trời, tuy Phong ít ở lại cùng Vân nhưng hàng xóm ai cũng nói họ không khác gì vợ chồng son. Mối quan hệ của họ không một người quen nào biết, kể cả đồng nghiệp của Phong lẫn bạn bè của Vân. Mỗi lần gặp nhau, đi ăn uống họ đều đi rất xa trung tâm thành phố để tránh gặp người quen.
Nếu không có một lần Huệ tình cờ đi đưa hàng ở một siêu thị xa lắc rồi nhìn thấy chồng tình tứ đi chợ với người đàn bà khác, có lẽ mối quan hệ ngoài luồng của Phong sẽ không bao giờ bị phát giác. Tiếc cho tình yêu của một cặp đôi tưởng vượt qua những tháng năm dài trắc trở sẽ có được hạnh phúc, vậy mà… Sau này, nghe đâu Huệ đã ly dị chồng. Cô không làm ầm lên mọi chuyện mà chỉ lặng lẽ đưa tờ đơn cho Phong ký… Người phụ nữ ấy lại thêm một lần rơi nước mắt khi người chồng kề bên mình suốt 6 năm trời lại ăn ở hai lòng. Ngoại tình tuy thiên hình vạn trạng nhưng có thể quy về ba dạng phổ biến: Ngoại tình đột xuất, ngoại tình kinh niên và vừa ngoại tình vừa bạo hành. Mỗi loại nên có cách ứng xử thích hợp. Ngoại tình đột xuất do một cơ hội hay tình huống nào đó có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả với người chồng xưa nay chung thuỷ. Trong trường hợp này, tha thứ là hơn nếu họ thực sự ăn năn hối cải. Loại ngoại tình kinh niên thì hạnh phúc rất mong manh, chỉ có đau khổ là thường trực.
Những người chịu đựng thường là sống phụ thuộc vào chồng. Còn ngoại tình ngang nhiên lại đánh vợ thì khỏi phải phân vân: Ly hôn sớm ngày nào hay ngày ấy! Vậy nên, câu hỏi làm gì khi chồng ngoại tình, trả lời thật không đơn giản. Nó còn phụ thuộc vào ngoại tình ở dạng nào và cái "chất" của người vợ thế nào.

Saturday 12 September 2015

Bị Bạn Của Bố Chồng Gạ “Đổi Tình Lấy Công Việc"

Sau thời gian nghỉ dài chăm con, chị nằng nặc đòi đi làm. Thế nhưng sự cố bất ngờ đó khiến chị muốn ở nhà đẻ thêm đứa nữa, khỏi đi làm.
Anh chị yêu nhau từ hồi học đại học, đến khi chị tốt nghiệp cũng là lúc đám cưới được tổ chức linh đình, không lâu sau đó chị sinh con. Chồng chị thì đã có một công việc ổn định, hứa hẹn nhiều thăng tiến; còn chị muốn đi làm nhưng cả nhà chồng khuyên chị nên ở nhà nội trợ, chăm sóc chồng con, không tội gì mà phải vất vả khi kinh tế gia đình đầy đủ.
Đúng là chị có một đời sống tình cảm khá viên mãn, một cuộc sống vật chất dư thừa nhưng vẫn cảm thấy thiếu thốn và trống vắng. Trong thâm tâm, chị cảm thấy có lỗi với bố mẹ và gia đình mình, chăm chút, hy sinh cho con ăn học thành người, giờ thì chỉ là một bà nội trợ. Chị cũng tiếc cho tấm bằng cử nhân loại giỏi của mình, đúng hơn là tiếc cho mình. Vậy nên khi con vào học mẫu giáo thì chị quyết định đi xin việc, mặc gia đình chồng ngăn trở.
Tuy nhiên, xin việc làm thời buổi này chẳng dễ dàng gì. Chị hạ thấp dần tiêu chuẩn của mình và cuối cùng là chỉ cần việc ở một công ty tầm tầm nào đó, nhưng mãi cũng không xong. Anh chồng thấy vợ chạy ngược chạy xuôi, hôm nào cũng phấn son trang điểm nhăm nhăm cho những cuộc phỏng vấn thì cũng sốt ruột, vợ chồng đã có lúc bất hòa, lạnh nhạt.
Chỉ riêng ông bố chồng có chút thông cảm với con dâu nên hứa sẽ giúp chị. Ông gặp người bạn là quan chức ngành văn hóa, rất dễ dàng để chị đảm nhận một vị trí đúng nghề được đào tạo. Mọi việc xong xuôi, chị chỉ chờ ngày đi làm.
Để cảm ơn ông bạn, một tối bố chồng dẫn cả gia đình đến nhà ông bạn. Đó là một ngôi biệt thự kiểu cổ, kín cổng cao tường, chỉ có hai ông bà sống với nhau, con cái hoặc đã ra ở riêng, hoặc đang du học nước ngoài. Chuyện trò được một lúc, chủ nhà bảo mọi người cứ trò chuyện, mời chị lên phòng làm việc gặp riêng ông. Sau khi đóng chặt cửa phòng, ông đặt thẳng vấn đề “đổi tình lấy công việc” rồi lao vào ôm lấy chị, hôn chị nồng nàn và hẹn chị ngày mai đến thăm quan cơ quan, nơi chị sẽ làm việc.
Chị rời khỏi căn phòng đó như người mộng du. Chồng chị, vốn không quan tâm lắm đến thái độ của vợ nhưng cũng nhận ra, anh hỏi chị bị làm sao, rồi cũng chẳng chú ý nữa. Chỉ đến hôm sau, trong bữa cơm, ông bố chồng nhắc nhở chị đến cơ quan ông bạn như lời hẹn. Chị trả lời dứt khoát là đã nghĩ lại rồi, bây giờ việc quan trọng là chăm con và chuẩn bị sinh đứa thứ hai, việc đi làm tạm gác lại đã.
Bà mẹ chồng tỏ vẻ mừng rỡ không giấu giếm, chồng chị thản nhiên nghĩ đó là việc đương nhiên, chỉ có ông bố chồng nhíu mày suy nghĩ. Và, có lẽ chỉ mình ông, ngoài chị, biết được lý do tại sao chị đột ngột từ bỏ ý định đi làm của mình khi chắc chắn đã có một công việc phù hợp./.

Tuesday 8 September 2015

Nỗi khổ ê chề của nàng dâu đẻ con giống nhà ngoại

Con Dung nghe bà nội mắng thì ôm chặt mẹ khóc, đòi về ông bà ngoại, mẹ chồng Dung càng được thể càng điên tiết, bà kéo tay Dung tống ra đường.
Chồng Dung chỉ biết bất lực đứng yên nhìn! Dung lấy chồng được cả hai bên gia đình đồng thuận, tác thành, thời gian đầu về làm dâu của Dung rất yên ấm hoà hợp, bố mẹ chồng cũng quý mến. Chồng Dung là con trai trưởng, lúc biết tin Dung mang bầu con trai mẹ chồng Dung mừng ra mặt, chăm sóc chiều chuộng Dung hết lòng. Ai cũng nghĩ lúc Dung đẻ con ra thì còn được mẹ chồng yêu quý nuông chiều nữa, nhưng trời chẳng chiều lòng người, lúc đón cháu nội vừa lọt lòng, mẹ chồng Dung ngắm nhìn đứa trẻ rất lâu, mặt bà không nở lấy một nụ cười, bà nhíu mày buông thõng một câu, sao chẳng có nét nào giống thằng bố nó, hay chú nó vậy?
Dung cười bảo, trẻ con mới đẻ thì còn đổi nét liên tục, dần dần rồi sẽ giống, nhưng mẹ chồng Dung vẫn tỏ vẻ không vui, bà đặt đứa cháu đích tôn cái uỳnh xuống giường rồi bà chép miệng, giống hệt đằng ngoại.
Kể từ đó trở đi, mỗi ngày mẹ chồng Dung chỉ vào phòng ngó cháu nội một lần xem hôm nay nét cháu đã thay đổi chưa, nhưng éo le thay, thằng bé càng lớn thì càng giống y xì đúc bên ngoại, đặc biệt là giống cậu tức em trai của Dung, nhìn thằng bé không có một nét nào gọi là giống bố. Đã thế ai đến thăm cũng bế ẵm cũng bảo giống hệt cậu nó, chẳng giống bố chút nào, mẹ chồng Dung nghe được càng điên tiết.
Đỉnh điểm tới lúc con trai Dung được một tuổi bà cho họp toàn thể gia đình và yêu cầu mang đứa trẻ đi xét nghiệm ADN, vì bà không tin đó là con của con trai bà. Nghe được những lời tuyên bố thẳng thừng đó của mẹ chồng, Dung ôm con khóc nức nở vì tủi thân vì bị hàm oan, nhưng mặc cho Dung khóc, con trai khuyên can, mẹ chồng Dung nhất mực vẫn giữ nguyên ý kiến của mình, bà tuyên bố nếu không mang giấy xét nghiệm ADN về đây sẽ đuổi mẹ con Dung về bên ngoại không nhận cháu.
Để giữ hoà khí cho gia đình yên ổn, chồng Dung phải thuyết phục Dung đồng ý làm xét nghiệm ADN cho con. Tới khi có xét nghiệm ADN đứa trẻ đúng là con của chồng Dung, mẹ chồng Dung vẫn không buông tha, bà ngày đêm đay nghiến theo kiểu khác
Mỗi khi cháu khóc, mẹ chồng Dung lại quát mày cút về bên ngoại mày mà khóc. Con Dung làm rơi bể cái gì là mẹ chồng Dung lấy tay đánh liên tục vào mông nó, vừa đánh vừa mắng, như kiểu bao uất hận bà chút hết lên đầu nó. Suốt ngày bà nhiếc móc là nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà, cái ngữ ấy lớn lên nó cũng chỉ biết nhà ngoại nó thôi.
Tới khi em trai chồng Dung lấy vợ rồi sinh được một cậu con trai, nó lại giống hệt bố chồng Dung, giống hệt bên nội, thì mẹ chồng Dung có sự phân biệt rõ ràng? Có gì ngon lành bà cũng đều dành cho em dâu và con của em trai chồng Dung. Nhiều lần vừa bế ẵm cháu bà vừa mỉa mai bảo: "Đây mới là giống vàng giống bạc nhà bà, đây mới là cháu đích tôn của nhà bà, còn cái ngữ lạc loài ở nơi khác bà là bà không nhận bà là bà đuổi xéo", nghe mẹ chồng Dung nói vậy Dung uất ức ôm con bỏ về nhà bên ngoại, chồng Dung sang năn nỉ đón hai mẹ con về. Chồng Dung bảo thông cảm cho mẹ, mẹ già rồi hay nói linh tinh, mẹ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Thương con xa bố, thương bố xa con, Dung lại nuốt nước mắt ôm con quay về, vừa về tới cửa mẹ chồng Dung đã ném quần áo đuổi đi, mẹ chồng Dung nói đi thì đi luôn, bà không chứa thứ lạc loài ấy.
Con Dung nghe bà nội mắng thì ôm chặt mẹ khóc, đòi về ông bà ngoại, mẹ chồng Dung càng được thể càng điên tiết, bà kéo tay Dung tống ra đường. Chồng Dung chỉ biết bất lực đứng yên nhìn.
Dung một lần nữa ôm con về bên ngoại, Dung đề nghị chồng chuyển ra ngoài ở, nhưng chồng Dung không chịu, chồng Dung giải thích: "Cũng tại cu Tí nhà mình một tí là ông ngoại một tí là bà ngoại nên mẹ chồng Dung mới càng điên, chứ bà rất thương con thương cháu". Dung gạt nước mắt chỉ tay nói với chồng Dung: "Trẻ con chúng nó khôn lắm, ai yêu chúng nó thì chúng nó lại gần ai ghét chúng nó là chúng nó tránh xa, anh thử nhìn cách mẹ anh đối xử với con anh xem có xứng đáng là bà của nó chưa. Nếu anh không chịu ra ngoài ở thì chúng ta li dị, tôi không thể làm khổ con tôi được, không thể để nó sống ở một nơi mà người ta coi nó như kẻ thù được" .
Nói rồi Dung đứng dậy bỏ đi, Dung quyết tâm sẽ làm như vậy, Dung không thể chịu đựng thêm một giây phút nào nữa, với cái tính cách quái ác của bà mẹ chồng, một mình Dung khổ cô còn chịu được, nhưng để con khổ cô không cam lòng.

Friday 4 September 2015

Trắng đêm canh cửa phòng tân hôn vì sợ con trai “quá sức”

Thấy con trai mấy ngày mất ăn mất ngủ vì lo đám cưới, bà mẹ thấp thỏm canh cửa phòng tân hôn vì sợ con gặp chuyện chẳng lành. Bạc đầu vẫn phải lo cho con Sự quan tâm, nuông chiều của cha mẹ, cam chịu làm “nô lệ” cho con từ việc nhỏ đến việc lớn không chỉ khiến con trẻ thụ động, sống ỉ lại mà còn khiến các bậc cha mẹ cũng khốn khổ vì con. Ở tuổi gần 50, làm mẹ của hai đứa con, một trai một gái, một đứa năm nhất, một đứa năm cuối đại học, những tưởng chị Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) sẽ “được nhờ”. Nhưng vì chiều con, không để con đụng tay vào bất cứ việc gì nên ngày hai bữa sáng – tối chị vẫn tự lọ mọ chuẩn bị cơm nước cho cả gia đình. Con gái 19 tuổi, ăn xong cái bát cũng không phải rửa. Con trai 22 tuổi, hoa quả phải gọt sẵn cho vào đĩa, bưng lên phòng riêng mới chịu ăn. Chị bảo, chị thích việc bếp núc, thích chăm sóc con cái nên thấy những việc mình làm không có gì vất vả. Nhưng chị không biết rằng, “tình yêu thương” của chị khiến con thụ động, thiếu kỹ năng sống, không thể hỗ trợ khi mẹ gặp sự cố. Một lần, chị bị ngất ở cơ quan, đồng nghiệp đưa chị vào viện. Chồng thì đang đi công tác xa, gọi cho hai đứa con thì chúng ú ớ hỏi “làm gì bây giờ ạ”. Phải đến 2 tiếng sau cậu con trai lớn mới “mò” được đến bệnh viện, trong khi quãng đường đi chỉ 6 km. Thấy chị tỉnh, đồng nghiệp gợi ý gọi con gái đến chăm cho tiện thì chị gàn “thôi được rồi, chị không sao”. Sau rồi mọi người mới biết, con gái được đưa rước từ nhỏ, xe máy không biết đi, đường không biết lối, có đến bệnh viện có khi còn khiến chị bận tâm hơn. Một bà mẹ khác thì chăm sóc, lo lắng cho con trai đến mức đứa con lấy vợ rồi vẫn muốn chở che. Chị Hằng (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ rằng, nếu 3 năm trước chị không đấu tranh ra ngoài sống riêng thì có lẽ giờ này gia đình chị đã tan đàn xẻ nghé. Chị kể, chồng chị là con một, từ bé đến lớn đều bị bố mẹ quản lý, đi đâu cũng có bố mẹ tháp tùng, không dám thả ra vì sợ chơi bời, lêu lổng. Đến khi đi làm cũng bố mẹ xin việc cho rồi quản lý tài chính, giờ giấc đi lại. Ngày hẹn hò với chị, mỗi lần đi cà phê, xem phim đều phải xin phép, phải xin tiền mẹ. Đi chơi đến 10 giờ đêm là mẹ gọi điện hỏi đang ở đâu, sắp về chưa. Đến khi lấy nhau rồi, chị Hằng mới thấm thía cái thói “bám váy mẹ” của chồng. Và chị cũng phải “nể phục” tâm sức quan tâm, chăm sóc con của mẹ chồng. “Kể ra tưởng tiểu thuyết, đêm tân hôn mẹ chồng cứ ra lại vào phòng ngủ của hai vợ chồng, lúc vào kiểm tra chăn đệm có đủ ấm không, lúc vào đưa cho chồng cốc nước. Mình thấy kỳ kỳ nhưng cũng kệ. Đến gần nửa đêm hai vợ chồng chuẩn bị đi ngủ rồi, mình mở cửa phòng đi đánh răng rửa mặt thì thấy mẹ lù lù ở cửa, giật bắn mình. Hỏi mẹ có chuyện gì thì bà kéo mình ra bảo con ơi thằng Q. mấy hôm nay mất ăn mất ngủ vì lo đám cưới, sức khỏe giảm sút đi nhiều, hai đứa đừng làm gì quá sức. Bà con dặn nếu có bị thượng mã phong thì phải kêu lên ngay để bà vào xử lý”, chị Hằng nhớ lại. Chị Hằng bảo, nhiều khi mẹ chồng chiều chuộng con trai hơn cả trẻ nhỏ khiến chị vừa ấm ức, vừa cảm thấy tức cười. Ví dụ như ăn cá mẹ gỡ xương cho, đồ gì ngon cũng để phần con trai, đi đâu mẹ cũng tranh xách đồ trong khi con trai sức dài vai rộng để đi tay không. “Nhiều lần cãi vã cũng chỉ vì mẹ chồng quá chiều chuộng con trai. Mình nhờ chồng thu quần áo hộ cũng bị nói nữa. May mà mình đòi ra ở riêng bằng được. Giờ thì anh xã biết nấu cơm, biết rửa bát, biết thay bỉm, pha sữa cho con rồi”, chị nói. Chiều con - cha mẹ tự đày đọa mình Cha mẹ nào cũng yêu thương, cũng dành những điều tốt đẹp nhất cho con nhưng đôi khi vì quá nuông chiều con mà cha mẹ lại tự đày đọa bản thân mình. Cảnh tượng mà chúng ta vẫn thấy vào mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng, đó là hình ảnh những ông bố, bà mẹ đội nắng, đội mưa kiên trì đợi con trước cổng trường thi. Đó là hình ảnh người mẹ tay xách nách mang lẽo đẽo theo sau, đứa con tay không đi trước thì không ngừng ca thán “mẹ mang theo lắm thứ thế để làm gì”. Theo chuyên gia xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia TP. HCM, việc nuông chiều, cung phụng con cái không có điểm dừng, hoặc thái quá đang biến một bộ phận giới trẻ... không thể trưởng thành, sống phụ thuộc cha mẹ dù đã có tấm bằng cử nhân, kỹ sư. Tuy nhiên, chỉ đến khi thấy con cái mình lười biếng, sống ích kỷ, không biết quan tâm ai thì họ mới giật mình, than vãn, kể cả trách móc chúng không biết hiếu thảo. Khi chỉ biết nhận nhiều hơn cho, lớn lên giới trẻ cũng trở nên vô cảm, ít biết sẻ chia, thông cảm với người khác. Những đứa trẻ được nuông chiều, cung phụng thường gặp trục trặc, mâu thuẫn tại trường và khi đi làm cũng va chạm với đồng nghiệp nhiều hơn, đặc biệt dễ đổ vỡ trong hôn nhân vì không biết cách chung sống hòa hợp.